Ứng dụng và lạm dụng giả dược


Ứng dụng và lạm dụng giả dược 1Tranh cãi về placebo chữa bệnh?
Có nhà khoa học cho rằng: “Placebo có ý nghĩa với các bệnh bị chi phối nhiều bởi hệ thần kinh, với người thuộc tuýp  dễ  nhạy cảm, có trạng thái tâm lý dễ tin, dễ cảm xúc, dễ bị thuyết phục, dễ tự kỷ ám thị”.

 Ngược lại, nhiều nhà khoa học cho rằng: “Hiệu ứng placebo là có thật song chỉ giúp cho quá trình chữa bệnh; không tạo ra tác dụng lâm sàng thay cho thuốc hay các liệu pháp truyền thống”. Nhà nghiên cứu Arthur Shaprio cho rằng: “Placebo làm người bệnh yên tâm hơn là có tác dụng lâm sàng chữa bệnh vì: có bệnh sau khi lên cao điểm sẽ có xu hướng giảm dần, trùng với lúc dùng giả dược; có bệnh tăng giảm thất thường và dùng giả dược đúng vào thời kỳ thuyên giảm; có bệnh có thể khá hơn nhờ phản ứng tự miễn”. Đa số các nhà chuyên môn “không đồng tình việc dùng giả dược chữa bệnh, vì trái với y đức. Trên tất cả các ý kiến đa chiều, Hội Y học Mỹ (AMA) đưa ra khuyến cáo, bác sĩ chỉ cho dùng giả dược khi người bệnh (thực ra là người nhà) đồng ý; không nên dùng giả dược để xoa dịu người bệnh.
Placebo và y đức
Cho dù còn tranh cãi, song các thầy thuốc đều thống nhất: placebo tạo ra niềm tin, từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực trong chữa bệnh. Trong niềm tin ấy có sự khát vọng chữa khỏi bệnh nhờ sự nâng đỡ của thầy, của thuốc. Robert DeLap, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu FDA nói: “Sự mong chờ là yếu tố rất mạnh, càng đặt nhiều tin tưởng vào một trị liệu thì càng thấy trị liệu ấy có vẻ hữu hiệu hơn”.   
Theo đó, hiệu ứng placebo phản ánh mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh. Thái độ tận tình, khám bệnh chu đáo, cho thuốc cẩn trọng... sẽ làm cho người bệnh không cảm thấy mình nhờ vả, bị coi thường, cô đơn; mà lại cảm thấy được nâng đỡ, chăm sóc, đầm ấm; tự giác hợp tác tốt, thực hiện đúng hướng dẫn; đưa lại hiệu quả chữa bệnh cao. Một “cái bắt tay thân thiện”, một lời hứa “sẽ cố gắng hết sức tìm ra bệnh, tìm đúng thuốc cần thiết...” sẽ tạo ra hiệu ứng placebo cao. Đây là y đức cần có của thầy thuốc.
Sự lạm dụng placebo
Với người bệnh trầm cảm có biểu hiện xa lánh cộng đồng, chán nản thì thái độ thân ái, sự động viên... có thể giúp giảm bớt triệu chứng này. Với người có bệnh lý lo âu hoảng sợ  thì có thể đưa các giả định gây lo âu hoảng sợ rồi giải thích cho họ không có gì đáng lo sợ cả và lặp lại nhiều lần như thế họ sẽ đỡ bớt trạng thái bệnh lý.
 
Nhưng y học đã chứng minh trầm cảm là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh (adreanilin, serotonin, dopamin) do đó phải dùng thuốc làm tăng các chất này; người có bệnh lý lo âu hoảng sợ là do sự rối loạn hệ thống GABA, cần phải dùng thuốc an thần điều chỉnh lại thì mới ổn định được bệnh. Trong tâm liệu pháp có cách tạo ra các hiệu ứng tương tự như hiệu ứng placebo, góp phần hiệu quả vào chữa bệnh. Nhưng dùng quá đà tâm lý liệu pháp mà không dùng thuốc sẽ không chữa được bệnh. Đây được coi như thụ động lạm dụng hiệu ứng placebo.
Người đột quỵ, bị liệt nhẹ một bên, có thể tự hồi phục. Người bị chẩn đoán nhầm ung thư dù không chữa thì khối u cũng tự xẹp đi. Một vài thầy lang cho thuốc ngẫu nhiên đúng các thời điểm này rồi tự phong cho mình là “thần y”; dùng mọi thủ thuật để quảng bá đề cao mình, nhằm bán một số cây cỏ “vô thưởng vô phạt” thậm chí chỉ là nước lã, thu về tiền triệu! Một số cơ sở biết rất rõ sản phẩm chỉ chữa hay hỗ trợ chữa vài chứng bệnh thông thường song lại quảng cáo có vô vàn chức năng, làm cho  người bệnh cả tin là “thần dược”, khi mua về mới biết chẳng những không chữa khỏi bệnh gì mà còn mang vạ vào thân! Có thể những người và cơ sở khám chữa bệnh đó chưa hiểu về lý thuyết placebo nhưng trong thực tế đã chủ động lợi dụng hiệu ứng placebo, lừa bịp người cả tin để trục lợi. 
Theo DSCKII. Bùi Văn Uy-suckhoedoisong.vn  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)