Xoa bóp trị viêm khí phế quản mạn ở người cao tuổi


Viêm phế quản mạn là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể tự tiến hành một số thủ thuật xoa bóp sau để phòng bệnh và hỗ trợ điều trị.

Nguyên nhân là do sức đề kháng của người cao tuổi giảm sút, dễ mắc các bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm khí quản cấp tính nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị không dứt điểm nên chuyển thành mạn tính. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi như khói bụi, hút thuốc, do cơ địa dị ứng đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính từ khi còn nhỏ…

Triệu chứng ban đầu là ho kèm theo khạc đờm, xảy ra nhiều lần trong một năm, ban đầu 4-5 lần một năm, mỗi lần 10-15 ngày, về sau thường xuyên và kéo dài hơn, ho nhiều vào sáng sớm hoặc khi lao động nhiều kèm theo có đờm màu trắng và có bọt. Khi ho lâu ngày, đờm đặc hơn, màu vàng và có mủ. Một số trường hợp nặng bệnh có thể gây biến chứng giãn phế quản dẫn đến suy tim. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị khó thở, đau ngực.
Day huyệt đản trung: Dùng ngón cái hoặc ngón giữa tay phải day huyệt đản trung trong khoảng 2 phút.
Day huyệt khuyết bồn: Dùng ngón giữa day huyệt khuyết bồn hai bên trong khoảng 2 phút.
Day huyệt nhũ căn: Dùng ngón cái hoặc ngón giữa day huyệt nhũ căn cả hai bên trong khoảng 2 phút.
Xoa ngực: Dùng lòng bàn tay phải xoa từ ngực bên phải sang bên trái. Sau đó đổi tay, dùng tay trái xoa ngực từ bên trái sang bên phải. Khi xoa, tay đưa đi đưa lại theo một đường thẳng. Bàn tay xoa có lực nhưng không nên ép mạnh quá gây tổn thương da. Động tác phải đều đặn, hít thở đều. Xoa khoảng 100-120 lần/phút tới khi ngực nóng lên thì thôi.
Day huyệt phong môn: Tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón tay giữa áp vào huyệt phong môn day trong khoảng 2 phút. Sau đó đổi tay trái làm tương tự.
 Day bấm huyệt phế du.
Day huyệt phế du:
Tay phải đưa về phía sau vai trái, ngón giữa áp vào huyệt phế du day trong 2 phút. Sau đó đổi tay trái làm tương tự.
Bấm huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ, ngón giữa bấm vào huyệt hợp cốc mỗi bên khoảng 10 lần. Khi bấm, động tác theo nhịp một mạnh, một nhẹ.
Day huyệt túc tam lý: Dùng ngón cái tay phải bấm vào huyệt túc tam lý bên chân phải và day trong 1 phút. Lặp lại tương tự với chân trái. Cũng có thể bấm đồng thời cả hai bên.
Nên kiên trì thực hiện hằng ngày, khi day, bấm vào huyệt vị, nếu thấy cảm giác tê tức là được.   
Vị trí huyệt:
Huyệt đản trung: Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi qua 2 núm vú (nam giới) hay đường đi ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới).
Huyệt khuyết bồn: Huyệt ở chỗ lõm chính giữa mép trên xương đòn, thẳng xuống dưới là đầu vú.
Huyệt nhũ căn: Ở giữa gian sườn 5, thẳng dưới đầu vú, cách đường giữa ngực 4 tấc.
Huyệt phong môn: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 2 đo sang ngang 1,5 tấc.
Huyệt phế du: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 3, đo sang ngang 1,5 tấc.
Huyệt hợp cốc: Huyệt nằm ở điểm giữa xương bàn tay 1 và 2 về phía mu tay. Hoặc khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Huyệt túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó ngang ra phía ngoài 1 tấc là huyệt. Hoặc huyệt ở dưới lõm ngoài xương bánh chè (huyệt độc tỵ) 3 tấc.


 Theo  Lương y Thái Hòe - suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)