Theo tôi được biết, thuốc chữa bệnh thường được dùng theo đường uống hoặc tiêm. Thuốc đặt thường là dùng ở hậu môn, nhưng mới đây, tôi lại phải dùng thuốc đặt trong miệng nên rất băn khoăn về tác dụng của nó. Xin hỏi, tác dụng của loại thuốc dùng trong miệng là thế nào?
Nguyễn Văn Na (Quảng Ngãi)
Thuốc đặt trong miệng được sử dụng bằng cách đặt ngay dưới lưỡi và chờ cho tan hoàn toàn. Cũng có khi thuốc được đặt ở mặt trong của má hoặc ở giữa nướu dưới và cằm. Những thuốc này sẽ được tan rất nhanh nhờ dịch niêm mạc miệng và được hấp thu nhanh chóng vào hệ tuần hoàn máu.
Mục đích của dạng thuốc này là giúp cơ thể đáp ứng nhanh với thuốc khi cần sự can thiệp nhanh chóng. Thông thường, dược phẩm được bào chế dạng này là các viên nitroglycerin dùng cho bệnh nhân đau thắt ngực vì giúp mạch máu giãn nhanh chóng nhằm làm giảm áp lực cho tim. Những loại thuốc khác bao gồm loại giảm đau, kiểm soát huyết áp, trị các bệnh về miệng... Ưu điểm của những dạng bào chế này là thuốc được hấp thu nhanh, tránh bị giảm tác dụng bởi các dịch vị có trong hệ tiêu hóa.
Khi sử dụng những dạng thuốc này, cần lưu ý chỗ đặt thuốc không bị viêm, trầy xước, chảy máu hoặc bị kích ứng. Khi đặt thuốc, người sử dụng cần phải ngồi ngay ngắn và không sử dụng cho những bệnh nhân bất tỉnh. Người sử dụng thuốc không được ăn, uống, nhai, nuốt cho đến khi thuốc tan hoàn toàn, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc.
Bệnh nhân không nên hút thuốc khi đang dùng thuốc ngậm dưới lưỡi hay miệng vì sẽ gây co các mạch máu làm giảm sự hấp thu của thuốc. Khi được cung cấp thuốc, cần hỏi dược sĩ xem loại mà bạn sẽ dùng có phải là dạng đặt trong miệng hay không. Bởi lẽ, dạng thuốc này nếu nuốt sẽ không có tác dụng. Ngoài ra, đừng quên một điều không mới là “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”.
Theo BS. Nguyễn Khánh - Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét