Chữa được nhiều chứng bệnh
Cây bách bệnh, còn có tên bá bệnh, hậu phác nam, dân gian thường gọi là mật nhân, tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack, thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Đây là cây gỗ nhỡ, cao 4-8m, ít phân cành, thân non có lông màu nâu. Ở Việt Nam, cây này mọc rải rác trong rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tới phía Nam, đặc biệt có nhiều ở Tây Nguyên và miền Trung. Toàn cây đều được dùng làm thuốc.
Theo cách giải thích về tên gọi thì cây này có thể chữa trị được nhiều chứng bệnh nên mới có tên là bách bệnh.
Mỗi ngày dùng 20g
Nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây bách bệnh đã được các nhà khoa học của Malaysia, Thái Lan và Mỹ công bố. Các tác giả đã đề cập đến tác dụng tăng cường khả năng sinh dục nam, do làm tăng lượng testosteron bị thiếu hụt ở tuổi trung niên trở lên. Rễ cây có tác dụng mạnh hơn. Các quassinoid từ rễ còn có tác dụng diệt ký sinh trùng rốt rét do Plasmodium falciparum ở người bệnh đã kháng thuốc chloroquin.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ cây bách bệnh dùng chữa chứng ăn không tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ, lưng đau mỏi do thấp (ngày dùng 12-18g dưới dạng thuốc sắc). Quả cũng dùng chữa kiết lỵ. Nước sắc của lá dùng tắm ghẻ, trị lở ngứa. Ở Campuchia, rễ bách bệnh được dùng để trị giun, chữa ngộ độc và giải độc rượu. Ở Indonesia, nước sắc của lá hoặc vỏ thân bách bệnh được dùng để chữa bệnh sốt rét. Cây này không dùng cho phụ nữ mang thai.
Người ta thường chặt nhỏ rễ bách bệnh rồi phơi khô để dùng dần (không cần sao vàng hạ thổ). Ngày dùng khoảng 20g, cho vào 1 lít nước, sắc uống (nước rất đắng). Có thể sắc lại lần thứ hai, nếu lần đầu chưa chiết hết chất thuốc.
Đây là một cây thuốc quý, mọc trong tự nhiên, nhưng khả năng sinh trưởng chậm, cần chú ý bảo vệ và phát triển. Rễ bách bệnh đang bị săn lùng, thu gom để bán ra nước ngoài. Việc đào lấy rễ đang làm chết cây. Vì vậy, khi khai thác trong rừng phải bảo vệ cây non. Nếu cây có quả thì thu hái và trồng lại để có nguồn nguyên liệu sử dụng lâu dài.
Theo TSKH Trần Công Khánh - kienthuc.net.vn