Ngay từ năm 1945 người dân Okinawa, Nhật Bản đã từ chối sự hiện diện của quân đội Mỹ, biến nơi này thành kho chứa vũ khí nguy hiểm và gần đây báo chí phanh phui việc Mỹ đã từng sử dụng vùng đảo này để chứa chất độc da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Thông tin vừa được công bố trên tạp chí Asia Times số ra trung tuần tháng 10/2012.
Okinawa - nơi quá cảnh cho chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam?
Theo báo cáo An Ecological Assessment of Johnston Atoll (Đánh giá thảm họa sinh thái ở đảo Johnston) do quân đội Mỹ tiết lộ đầu tháng 10 vừa qua thì trong thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã dự trữ số lượng khổng lồ chất diệt cỏ da cam có tên Herbicide Orange (HO), số lượng khoảng 25.000 thùng dung tích 55 gallon (208 lít) trong đó có hơn 1,4 triệu lít HO được “thu dung” từ Việt Nam đưa tới Okinawa trước khi đưa đi đảo san hô Johnston trên vùng biển Thái Bình Dương để tiêu hủy hồi năm 1977.
Theo báo cáo nói trên, những năm đầu thập niên 70, Chính phủ Mỹ cấm dùng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam bởi theo nghiên cứu chất HO có chứa dioxin rất nguy hiểm cho tính mạng con người. Những kho thuốc độc ở Okinawa là những thùng chứa dioxin được quân đội Mỹ dùng cho chiến tranh Việt Nam, chưa kịp dùng hết nay được đưa trở lại Okinawa, sau đó chuyển tiếp tới đảo Johnston thiêu đốt trong khuôn khổ chương trình tẩy rửa có tên Chiến dịch mũ nồi đỏ (ORH) do quân đội Mỹ chủ trì năm 1971, trong đó có 12.000 tấn vũ khí hóa học (kể cả khí mù tạc, VX và sarin) đã được vận chuyển khỏi Okinawa trước khi trao trả hòn đảo này lại cho Nhật năm 1972.
Sự thật được phơi bày
Đây không phải là lần đầu tiên chất độc da cam được tiết lộ mà trước đó, năm 2009 Bộ Cựu binh Mỹ (VA) đã tiết lộ, từ năm 1969 đến tháng 3/1972 chất độc da cam đã được đưa đến Okinawa để dùng cho chiến tranh Việt Nam và do sức ép của dư luận nên nó lại được chuyển từ Việt Nam về lưu giữ tại đây. Mối nghi ngờ về việc chứa chất độc da cam ở Okinawa và chiến dịch tẩy dioxin được sáng tỏ còn nhờ vào tập ảnh do một chuyên gia nghiên cứu độc lập tên là Nao Furugen tiết lộ. Đây là bằng chứng nói về quá trình vận chuyển, xử lý các thùng vũ khí nguy hiểm, chủ yếu là dioxin. Theo các tài liệu do VA cung cấp thì những lô hàng chất độc da cam được chuyển tới đảo Johston trong tình trạng đang bị phân hủy. Có tới 9.000 trong tổng số 25.000 thùng rò rỉ ra môi trường gây nhiễm độc một vùng san hô rộng lớn.
Tất cả những nguồn tin trên đã làm cho dư luận, đặc biệt là người dân ở Okinawa và Nhật Bản căm phẫn, yêu cầu Chính phủ Nhật vào cuộc ngay để làm rõ sự thật, đáng tiếc cả Tokyo lẫn Washington đều phớt lờ dư luận. Thời gian gần đây, rất nhiều cựu binh Mỹ đã lên tiếng tố cáo việc dùng Okinawa làm kho chứa chất độc dioxin và nhiều loại vũ khí giết người nguy hiểm những năm 60, 70 ở thế kỷ trước, chủ yếu là dùng cho chiến tranh Việt Nam.
Trong thời gian này, đảo Okinawa đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chống lại người Việt Nam, phun hàng triệu lít chất độc da cam và cũng chính hành động này đã gây nhiễm độc hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ và trên 3 triệu người Việt Nam. Rất nhiều cựu binh Mỹ đã từng làm việc tại Okinawa, tham gia chiến tranh Việt Nam biết rất rõ điều này. Nhiều người trong số họ là nạn nhân của thứ chất độc nguy hiểm mà Mỹ gọi là thuốc diệt cỏ, nhưng đến nay mới chỉ có 3 cựu binh Mỹ được đền bù, kể cả 1 người bị nhiễm độc khi vận chuyển hàng nghìn thùng dioxin tại cảng Naha trong giai đoạn 1965 - 1967.
Những người trong cuộc nói gì?
Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã lùi vào dĩ vãng nhưng di hại của nó thật khủng khiếp, không chỉ có người Việt Nam mà cả người Mỹ, đồng minh lẫn những người đã từng hậu thuẫn cho Mỹ tiến hành cuộc chiến phi nghĩa này phải gánh chịu, trong đó có những người dân lành Okinawa và trên 50.000 người được quân đội Mỹ thuê mướn phục vụ cho cuộc chiến nói trên. Theo ông Masami Kawamura, đồng sáng lập ra nhóm hoạt động dân sự có tên Okinawa Outreach, nơi làm nhiệm vụ yêu cầu Mỹ phải rửa sạch chất độc trên đảo này cho biết, “họa có mù người ta mới không thấy hết sự nhiễm độc của dioxin trên mảnh đất này”.
Ngay sau khi báo cáo của quân đội Mỹ được công bố, 10 cựu binh Mỹ đã đệ đơn lên cho Ủy ban cựu binh Thượng viện yêu cầu chính phủ vào cuộc, điều tra và thẩm định mức độ nhiễm dioxin ở Okinawa và đền bù thích đáng cho những người tham gia bị ảnh hưởng. Cựu binh, trung sĩ không quân Joe Sipala - người tham gia nhóm này và cũng là người bị nhiễm dioxin khá nặng tại Okinawa hồi năm 1970 và 9 người còn lại đã được mời đến Washington để làm chứng. Năm ngoái những người này phẫn nộ vì bị Chính phủ Mỹ và Bộ ngoại giao Nhật Bản cáo buộc tội vu khống. Theo Sipala, ông muốn Chính phủ Mỹ nhìn vào sự thật và qua sự kiện Okinawa nhìn sang Việt Nam, nơi từng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vũ khí hóa học đã được Mỹ sử dụng những năm 60, 70 ở thế kỷ trước và có những hành động thiết thực, đặc biệt là đền bù xứng đáng cho những người bị nhiễm chất độc da cam mà bản thân và gia đình họ phải gánh chịu.
Theo JF/AT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét