Vì sao thuốc là “dao hai lưỡi”?

Khi vào cơ thể, một thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng nhưng thường chỉ có một trong số các tác dụng đó cần cho mục đích phòng bệnh...



Thuốc là những chất dùng cho cơ thể người để phòng bệnh, chẩn đoán hoặc chữa bệnh, hoặc làm thay đổi một chức năng sinh lý. Khi vào cơ thể, một thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng nhưng thường chỉ có một trong số các tác dụng đó cần cho mục đích phòng bệnh, điều trị và được gọi là tác dụng chính, tác dụng có lợi.
 
Phần lớn các tác dụng khác được gọi là tác dụng không mong muốn, tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại do thuốc gây ra. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction - ADR) là một phản ứng độc hại, không được định trước, xảy ra ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Như vậy ADR là tên gọi chung cho mọi tác dụng không mong muốn xảy ra khi dùng thuốc đúng liều.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc gồm những loại nào?
Theo thống kê, các ADR được chia làm hai loại:

Phản ứng dạng A: là các phản ứng tăng nặng bao gồm tác dụng độc nguyên phát hoặc tác dụng mở rộng của thuốc; tác dụng không mong muốn có liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc; với các đặc điểm tiên lượng được (dự đoán trước được), thường phụ thuộc vào liều dùng, là tác dụng dược lý quá mức hoặc là biểu hiện của tác dụng dược lý ở một vị trí khác.

Phản ứng dạng B: là phản ứng lạ bao gồm phản ứng dị ứng, phản ứng đặc ứng (là những ADR đặc biệt khác thường không liên quan đến tác dụng dược lý đã biết, do nhạy cảm cá nhân bẩm sinh) và hiện tượng phụ thuộc thuốc. Phản ứng dạng này có các đặc điểm không dự đoán trước được, không liên quan đến tác dụng dược lý đã biết của thuốc, là tác dụng lạ và không phụ thuộc rõ ràng vào liều dùng. Khi gặp phải ADR dạng này thường phải dừng thuốc ngay lập tức.
 Người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc
Nguyên nhân nào gây ra các tác dụng không mong muốn của thuốc?
Các ADR dù ở dạng nào cũng liên quan đến 3 nhóm nguyên nhân cơ bản:

Nhóm nguyên nhân liên quan đến bào chế: nhóm nguyên nhân này thường gặp ở cả 2 týp, trong đó các nguyên nhân gây ra ADR týp A phải kể đến là hàm lượng thuốc và tốc độ giải phóng hoạt chất; trong khi đó các nguyên nhân về bào chế gây ra ADR týp B lại phải kể đến sự phân hủy các thành phần dược chất, tác dụng của các tá dược có trong thành phần dược phẩm, tác dụng của các sản phẩm phụ trong quá trình tổng hợp hóa học dược chất.

Nhóm nguyên nhân dược động học: nhóm nguyên nhân này thường xảy ra ở týp A, trong đó nguyên nhân liên quan đến ADR ở týp A là tất cả các yếu tố dẫn đến thay đổi về khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ thuốc gây tăng nồng độ tuốc có trong huyết tương hoặc mô đích. Các yếu tố đó thường là tính chất dược học và hóa lý của thuốc, thức ăn ở trong đường tiêu hóa, nhu động của đường tiêu hóa, bệnh lý của đường tiêu hóa đi kèm, khả năng chuyển hóa thuốc ở gan, khả năng gắn thuốc vào protein huyết tương... trong khi đó yếu tố gây ra ADR týp B lại là khả năng chuyển hóa thuốc sinh ra các chất độc cho cơ thể.

Nhóm nguyên nhân dược lực học: với týp A thường là sự tăng tính nhạy cảm của cơ quan đích với thuốc, còn với týp B thường là phản ứng dị ứng hoặc liên quan đến thiếu hụt di truyền.

Các yếu tố liên quan đến sự phát sinh ADR
Các yếu tố thuộc về bệnh nhân: Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao; một số ADR hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới; tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc; thiếu một số enzym chuyển hóa.

Các yếu tố liên quan đến thuốc: đặc tính lý hóa và dược động học của thuốc; công thức bào chế, thành phần tá dược; liều dùng  thuốc, đường dùng và thời gian dùng; điều trị nhiều thuốc trong một phác đồ điều trị: tần suất ADR tăng lên theo cấp số nhân với số lượng thuốc có trong một đợt điều trị, tương tác giữa các thuốc cũng là yếu tố làm tăng ADR.

Các biện pháp để hạn chế ADR
Hạn chế số thuốc dùng, chỉ kê đơn những thuốc thực sự cần thiết. Thầy thuốc phải nắm vững thông tin về loại thuốc đang dùng cho bệnh nhân, xem xét kỹ có tương tác thuốc hay không.

Nắm vững thông tin về bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, bệnh lý gan thận, tiền sử dị ứng...).

Chỉ dẫn rõ ràng cho người bệnh hiểu về bệnh tật và cách sử dụng thuốc cho đúng, cách nhận biết sớm các triệu trứng của ADR.

Theo dõi sát bệnh nhân, phát hiện sớm các biểu hiện của phản ứng bất lợi do thuốc và có những xử trí kịp thời.

Thông tin trở lại các trường hợp đã gặp ADR ở lâm sàng để các thầy thuốc có những chú ý khi sử dụng thuốc.

Tóm lại, khi sử dụng thuốc để điều trị, phải xem xét cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc, để lựa chọn thuốc phù hợp với đặc điểm bệnh nhân và tình trạng bệnh tật. Nếu hiểu biết đầy đủ về thuốc sử dụng, đặc điểm người bệnh và các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ ADR thì có thể hạn chế được ADR. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi có ý kiến của bác sĩ. 

Theo Sức khỏe & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)