Theo ông Mansanobu Fukuoka, thực phẩm và thuốc men không phải là hai thứ khác nhau, chúng là mặt trước và mặt sau của một sản vật.
Đó là loại rau củ mọc hoang hoặc được trồng tự nhiên xen trong cỏ dại. Chúng không những có giá trị dinh dưỡng cao, có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Còn những thứ rau củ được nuôi dưỡng bằng chất hóa học thì có thể ăn được nhưng không thể dùng làm thuốc.
Ông bảo, nếu bạn nghĩ rau trái được trồng theo kỹ thuật hiện đại là từ tự nhiên mà ra thì bạn nhầm to. Ông cho rằng những thứ rau trái này là sự pha trộn mọng nước của ni-tơ, phốt-pho, kali… với một chút trợ giúp từ hạt giống. Và chúng sẽ có hương vị đúng như thế. Còn trứng gà công nghiệp, ông nói ta có thể gọi chúng là trứng nếu thích, thì không gì hơn là một hỗn hợp thức ăn tổng hợp, các hóa chất và hóc môn. Đây chẳng phải là sản phẩm của tự nhiên, mà là một sản phẩm tổng hợp do con người tạo ra dưới dạng một quả trứng.
Trong khu vườn nhà ông, cây cỏ hoang dại mọc chung với cam quýt. Và dưa chuột, bí, đậu phộng, cà rốt, các loại cải, hành tỏi, khoai tây cùng bao nhiêu là thứ rau khác được trồng xen trong cỏ dại. Tất cả đều cùng nhau chung sống, không cây nào “ức hiếp” cây nào. Đó là khu vườn tiệm cận với tự nhiên (có thể gọi là bán hoang dã), ở đó ông không cày xới, không bón phân, không dùng bất cứ một thứ hóa chất nào. Rau củ ở đây có thứ tự mọc, có thứ được trồng và không ít thứ chỉ trồng một lần, ông không thu hoạch toàn bộ mà để lại mỗi thứ một ít, hạt của chúng rơi xuống hoặc mầm của chúng còn trong đất sẽ tiếp tục mọc lên, tồn tại và sinh sôi năm này qua năm khác. Bất cứ nơi nào có cỏ dại, ở đó đều có thể trồng rau củ.
Vấn đề là vườn nào có thể trồng loại rau củ nào và vào thời điểm nào thì thích hợp, vì từng loại không chỉ tương quan với thời tiết mà còn tương quan với sự sinh trưởng và héo tàn của cỏ dại. Chẳng hạn trong khu vườn của ông, với các loại rau vụ xuân, thời điểm gieo trồng tốt nhất là khi cỏ dại mùa đông đang úa dần và ngay trước khi cỏ dại mùa hè kịp nảy mầm. Đối với vụ thu, hạt giống phải gieo khi cỏ mùa hè đang lụi tàn và lũ cỏ dại mùa đông còn chưa xuất hiện. Thường thì khi trời mưa xuống, ông cắt vạt cỏ đang phủ kín mặt đất rồi rắc hạt giống rau lên, không cần phải phủ đất mà chỉ cần lấy lớp cỏ vừa cắt phủ lên là đủ, để che nắng và tránh bọn gà, chim khỏi ăn. Nơi nào cỏ mỏng chỉ cắt một lần, nơi nào cỏ dày có thể cắt vài lần, sao cho mầm cây mọc lên trước cỏ dại là được. Hạt giống được gieo xuống có khả năng sẽ bị lũ gà, chim chóc và côn trùng “xơi tái”, ông đối phó chúng bằng cách không gieo hạt theo hàng hay rảnh mà rải mỗi nơi một ít, tất nhiên chúng cũng sẽ ăn nhưng không đáng kể.
Có thể thấy đó là bài học ông Fukuoka học được từ thiên nhiên. Bất cứ một mảnh đất nào, dù khô cằn đến mấy, nếu kiên trì bảo vệ từng cái cây ngọn cỏ, theo thời gian tự nó sẽ trở thành một mảnh đất tươi tốt. Khi thảm thực vật được bao phủ, hệ sinh vật sẽ sinh sôi trong đất, giun dế sẽ làm nhiệm vụ khơi thông cày xới, xác thực vật và xác côn trùng cùng với chất thải từ động vật sẽ làm cho đất đai màu mỡ. Hãn hữu lắm mới dùng một ít phân gia súc gia cầm, nhưng nói chung là không cần thiết. Khi khu vườn được tái lập gần với tự nhiên, hệ sinh vật tự nó sẽ cân bằng, côn trùng sẽ chế ước lẫn nhau, vì vậy không phát sinh vấn đề sâu bệnh. Những sản vật được tạo ra từ khu vườn gần với tự nhiên như vậy là rất phong phú và đa dạng, có thể nuôi sống được nhiều người hơn là khu vườn được canh tác theo kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Rau củ quả trồng trên nền đất tự nhiên giàu chất hữu cơ, chúng sẽ có một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Và sự tương tác với cây cỏ hoang dại sẽ khiến cho rau củ quả được hấp thụ một lượng đa chất và vi chất dinh dưỡng phong phú, khiến cho chúng có thêm những hương vị tinh tế.
Ông lưu ý, trong những khu vườn tự nhiên đó, nếu như ta cố tình dùng các kỹ thuật tiên tiến hoặc nỗ lực để tạo ra sản lượng lớn hơn, những nỗ lực đó sẽ kết thúc trong thất bại. Và trong hầu hết các trường hợp, thất bại sẽ có nguyên nhân từ sâu bệnh.
Mục tiêu mà ông Fukuoka hướng tới trong khu vườn của mình là có được những rau củ quả càng gần với tổ tiên nguyên sơ của chúng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bởi vì chỉ riêng việc “trồng” chúng, có vẻ là trái với tự nhiên rồi. Và theo cách hiểu đó thì việc con người sử dụng muối và lửa trong nấu nướng có thể bị chỉ trích như là bước đi đầu tiên của sự chia cắt con người ra khỏi tự nhiên. Nhưng theo ông, việc dùng muối và lửa từ cổ xưa nên được thừa nhận là trí khôn trời ban, là trí tuệ tự nhiên. Và những cây trồng đã tiến hóa hàng ngàn hàng vạn năm cùng với con người cũng cần được coi là thực phẩm tự nhiên. Chỉ những giống loài bị can thiệp tức thời và không được tiến hóa dưới những điều kiện tự nhiên, cũng như tôm cá hay gia súc gia cầm sản xuất hàng loạt bằng công nghiệp, là nằm ngoài danh mục thức ăn tự nhiên.
(còn tiếp)
Theo Hoàng Hải Vân
(Đọc “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của Mansanobu Fukuoka)
Trích nguồn: thanhnien.com.vn