5 KHÓ KHĂN CHÍNH KHI NGỒI THIỀN…

Thực tập thiền mang đến những lợi ích kỳ diệu cho tinh thần và thể chất của chúng ta. Thế nhưng, khi mới ngồi thiền, Chap đã gặp không ít khó khăn với những yếu tố cả ngoại cảnh lẫn nội tâm tác động. Sau một thời gian nỗ lực khắc phục, Chap cũng rút ra một số kinh nghiệm và xin chia sẻ với mọi người qua bài viết hôm nay để những ai mới tiếp xúc với thiền cũng biết cách để vượt qua những khó khăn ban đầu như mình.




1. Không gian ngồi thiền
Với người mới tập thiền thì không gian ngồi khá là quan trọng. Bởi khi đó, sự tập trung của mình chưa cao nên cần một không gian lý tưởng để hỗ trợ cho sự thực tập thiền. Không gian lý tưởng ở đây là một không gian thoáng đãng, yên tĩnh. Các bạn nên ngồi trong phòng, không nên ngồi thiền ngoài trời bởi mình dễ bị nhiều yếu tố bên ngoài tác động như thời tiết, âm thanh… Phòng ngồi thiền cần có cửa sổ để lưu thông khí, không có ruồi muỗi hay mùi lạ để tránh làm ảnh hưởng đến sự tập trung của chúng ta khi thiền. Nếu phòng có muỗi hay các sinh vật khác, các bạn nên mắc màn và ngồi trong đó. Đây là bài học “xương máu” mà mình rút được ra do đã có lúc đang ngồi thiền mà muỗi cứ vo ve hoặc đốt vào chân tay rất khó chịu. Phòng cũng cần thực sự yên tĩnh vì bất cứ một âm thanh nào thôi cũng làm chúng ta mất tập trung hoặc tâm trí bị xao nhãng vì âm thanh đó.
2. Tư tưởng, tinh thần khi hành thiền
Trước khi bước vào thực tập thiền, các bạn cũng phải có một tinh thần thật sự thoải mái. Như vậy thì sự tập trung của mình mới phát huy tác dụng khi thiền. Chúng ta nên gạt bỏ mọi vướng bận trong lòng, những cảm xúc hiện tại của chúng ta nhất là sự lo lắng, nỗi phiền muộn nào đó. Nếu không gạt hết mọi cảm xúc trong mình, không lắng lòng lại thì khi ngồi thiền, mọi suy nghĩ, vọng tưởng của bạn sẽ dấy lên ngày càng nhiều và nỗ lực của chúng ta để dẹp bỏ nó thì gần như là … bất lực. Thậm chí, ta còn không muốn thiền nữa. Hoặc khi thiền mà ta có sự mong đợi là việc thiền sẽ dẫn đến điều nọ điều kia, giúp ta đạt tới “level” này nọ thì đó cũng chính là sự cản trở của ta trong việc thực tập thiền. Hay như mình trước đây vẫn sợ nếu mình thiền mà định được thì linh hồn mình sẽ thoát ra khỏi thể xác và nhỡ không quay lại được. Việc lo sợ như vậy cũng đã khiến mình không đạt được nhiều kết quả với việc thiền định.
Thực ra, với những người mới thực tập thiền thì sẽ khó lòng mà gạt bỏ hết mọi vọng niệm khởi lên trong đầu bởi thực tập thiền là một quá trình dần dần, không phải ai thực tập cũng có thể vào định được ngay. Thế nhưng, khi ta thiền với một tâm trạng thoải mái, không lo lắng, sợ hãi điều gì, không mong cầu điều gì thì thành quả ta đạt được từ thiền sẽ đến nhanh hơn.
3. Mỏi lưng, đau chân
Tư thế ngồi thiền khá là quan trọng ảnh hưởng tới kết quả thiền tập của chúng ta. Người ngồi thiền nên ngồi theo tư thế bán già hoặc kiết già là tốt nhất. Bởi nếu ngồi xếp bằng bình thường, lưng ta sẽ khó cố định cho thẳng được. Lưng không thẳng sẽ dễ dẫn đến mỏi lưng và việc thiền sẽ kém hiệu quả. Để lưng thẳng, ta nên tập ngồi bán già rồi sau đó chuyển sang kiết già. Ban đầu, khi mới tập ngồi 2 tư thế này, mình cũng khá đau chân do cơ còn cứng. Thế nhưng, sau một thời gian tập luyện, mình cũng ngồi được gần như hoàn chỉnh. Có thể trước khi ngồi, bạn tập một số động tác khởi động hoặc tập yoga để các cơ được kéo dãn và như vậy sẽ ngồi dễ dàng hơn. Điều quan trọng ở đây là bạn phải có sự kiên nhẫn, mỗi ngày tập một ít một, không được nóng vội vì nóng vội thì càng làm tăng nguy cơ làm tổn thương chân mà thôi. Thời gian đầu, chân ta sẽ rất đau và nhanh bị tê, nhưng sau một thời gian khi chân quen rồi thì ta sẽ ngồi được như ý muốn.
Khi đã vắt chân được thế bán già hoặc kiết già, sau một khoảng thời gian ngồi nhất định, chân bạn cũng dần bị tê cứng lại và không thể tập trung thiền được nữa. Lúc đó, bạn có thể đưa chân xuống ngồi vắt chân theo thế bình thường hoặc xả thiền luôn nếu không tiếp tục tập trung thiền được nữa.



4. Mất tập trung
Sự mất tập trung khi thiền là điều tất lẽ dĩ ngẫu xảy ra với bất kỳ ai mới tập thiền hay kể cả khi ai đó đã hành thiền một thời gian. Việc các vọng tưởng, suy nghĩ liên tục dấy lên trong đầu ta miên man không dứt là hoạt động ý thức mà mình cho rằng đó là do tạo hóa tạo ra cho bất kỳ ai. Khi đó, mình không dùng cách tập trung vào hơi thở ngay mà mình tập trung vào đếm. Phương pháp này cũng là phương pháp cơ bản nhất trong thiền gọi là sổ tức. Ta có thể đếm nhẩm trong đầu các con số từ 1 đến 10 hay từ 1 đến 100. Nhiều bạn mất ngủ mà đếm cừu để không suy nghĩ lung tung nữa, mình cho rằng trên một phương diện nào đó, các bạn ý cũng đang cố gắng thiền.
Về cơ bản, thiền là sự tập trung tinh thần, xóa bỏ các vọng tưởng trong đầu ta. Do đó, việc đếm hay làm một điều gì đó thu hút toàn bộ tâm trí ta vào đó mà không nghĩ đi chuyện khác cũng đã chính là thiền. Đôi khi, đếm xuôi dễ dàng quá khiến ta vẫn bị mất tập trung thì ta đếm ngược. Mình cảm thấy việc đếm ngược khó khăn hơn nên buộc mình phải tập trung vào việc đếm hơn để không bị đếm sai. Từ đó là ta đã gián tiếp tập trung tư tưởng cho việc thiền, nhanh chóng nhận định và gạt bỏ ngay các vọng tưởng. Khi việc đếm giúp chúng ta đạt những sự tập trung nhất định, ta có thể dừng đếm để tập trung vào hơi thở, theo dõi hơi thở vào ra. Từ việc đó, ta sẽ không còn những suy nghĩ luynh tuynh nổi lên nữa và có nổi lên thì ta sẽ xóa bỏ nhanh chóng.
5. Buồn ngủ
“Bàn tay massage dịu dàng” của thiền khiến ta cảm thấy tĩnh lặng và thư giãn, đồng thời nó cũng dễ dàng đưa ta vào giấc ngủ. Mình cũng không ít lần bị gật gù trong quá trình thiền, nhất là nếu thiền vào lúc tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, thời gian để ngồi thiền cũng khá quan trọng vì nếu bạn thiền trong khi cơ thể đã khá mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả hay bạn mới ăn no xong thì cơ thể sẽ muốn ngủ hơn là muốn thiền. Khi đó, bạn cần làm cho cơ thể trở nên tỉnh táo bằng cách rửa mặt trước khi thiền. Nếu cảm thấy khó có thể tiếp tục do cơ thể quá uể oải thì không nên cố, mà hãy dừng lại, nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe cho cơ thể.
Trong quá trình thiền, nếu tiếp tục buồn ngủ không phải do vấn đề thể chất thì bạn cũng phải tìm cách “chiến đấu” với cơn buồn ngủ. Bạn hãy nhìn sâu vào nó, đó đơn giản cũng là một trạng thái cảm xúc. Cũng giống như khi ta ngứa, nếu ta không gãi mà nhìn sâu vào cơn ngứa đó, ta sẽ thấy nó chỉ là một cảm giác, nó dấy lên lúc đó rồi sẽ tiêu tan nhanh hơn là ta gãi. Việc buồn ngủ cũng vậy, khi bạn nhìn sâu vào cảm giác đó, xem nó ảnh hưởng thế nào tới ý thức của ta, coi đó như là một thực thể nào đó bên ngoài tác động đến ta. Như thế bạn sẽ dần dần hóa giải và đánh bay cơn buồn ngủ.
Trên đây là những vướng mắc mình đã từng gặp phải trong thời gian đầu tiếp xúc và bắt đầu thực hành thiền. Sau một thời gian kiên nhẫn tập luyện và khắc phục khó khăn, mình đã biết cách chế ngự những cảm xúc trong nội tâm, những tác động của ngoại cảnh để đạt được sự tập trung khi hành thiền. Từ đó, mình cũng thu được những kết quả nhất định của quá trình thực tập thiền. Mong rằng những kinh nghiệm nho nhỏ của Chap ở trên cũng giúp được một phần nào đó cho các bạn trong việc thiền tập.
Trích nguồn: thegioiyoga.com

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)