Thần dược phòng the" bên dòng sông Mã

Trong số những chứng nan y mà mế Mụi mát tay chữa khỏi, kỳ diệu nhất là bệnh vô sinh...


Năm nay, mế Tặng Thị Mụi đã bước sang tuổi 84. Hàng ngày, mế vẫn một mình cặm cụi vào tận rừng sâu hái thuốc, đến khi tối nhọ mặt người mới trở về bản. Cũng như nhiều người Dao khác, mế từ bản Pù Quăn xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa chuyển xuống. Và, từ khi xuống đây, bằng kinh nghiệm mấy chục năm hái thuốc của mình, mế đã giúp nhiều người lành bệnh. Trong số những chứng nan y mà mế mát tay chữa khỏi, kỳ diệu nhất là bệnh vô sinh...

"Luật lệ" lạ lùng Hôm tôi đến Hạ Sơn, bởi không hẹn trước nên mế Mụi đã khoác gùi vào rừng lấy thuốc từ sáng sớm. Người nhà mế bảo, muốn gặp mế thì chỉ có cách chờ chứ không biết đâu mà tìm. Và, có đi tìm thì cũng chẳng ai đủ sức để lần theo bước chân của bà cụ dường như tuổi tác chẳng liên quan chút gì đến sức khỏe ấy. Quả đúng như người nhà mế nói, khi bầy gà đã yên vị trên chuồng, thì ngoài ngõ, mế lạch cạch đẩy cửa bước vào. Bước chân vẫn thoăn thoắt dù trên lưng là gùi rễ cây nặng trĩu. Mế bảo, nhà mế mùa nào thức nấy. Hôm nay mế đi đào sâm bởi sắp tới hè, ở xứ gió Lào bỏng rát này không có nước sâm uống thì vô cùng khó chịu. Cũng như nhiều phụ nữ người Dao khác, mế Mụi được gia đình nhà chồng mình dạy cách vào rừng lấy thuốc. Mế kể, ngày trước, học cách lấy thuốc, làm thuốc khó khăn lắm và phải tuân theo nhiều luật lệ mà đến giờ mế cũng không thể lý giải.

Mế Mụi với gùi thuốc vừa hái được trong rừng

Không như bây giờ, các nàng dâu mới về nhà chồng, nếu thật sự có nhu cầu thì đều được mẹ chồng phá lệ mà truyền cho cách thức nhận biết các loại cây thuốc quý.
 
Đời mế thì mẹ chồng "quy định" chỉ khi nào đẻ hết con thì mới được tiếp cận đến bí quyết truyền đời của gia đình. Theo phong tục của người Dao, nếu người phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản, dù có lên rừng may mắn hái được thuốc quý thì thuốc cũng "mất thiêng", chẳng chữa khỏi bất cứ bệnh gì.
 
Thậm chí, nếu không tuân theo luật lệ mà bao đời đã định, thuốc sẽ phản tác dụng, có khi còn dẫn đến chết người!
 
Bởi thế, năm 50 tuổi, khi không còn đẻ được nữa mế mới được theo mẹ chồng cõng gùi vào rừng. Và, cũng chỉ khi ấy, mế mới nhận ra rằng, những cánh rừng bạt ngàn ở Pù Quăn đúng là một kho báu thực sự.
 
Chốn thâm sơn ấy, hầu như cây nào cũng là một vị thuốc và nếu biết kết hợp chúng với nhau thì nhiều chứng nan y trên đời đều có khả năng chữa khỏi.
 
Mế Mụi đông con, nhiều cháu. Đó không chỉ là kết quả của việc đẻ hết khả năng để được tiếp cận bí quyết truyền đời của gia đình. Suốt mấy chục năm sống với nghề y, mế đã được rất nhiều người nhận làm mẹ nuôi bởi ơn trời bể mà mế dành cho họ.
 
Theo mế Mụi thì phụ nữ người Dao ở Hạ Sơn, nhiều người biết lấy thuốc và chế thuốc. Thế nhưng, để chữa bệnh liên quan đến việc sinh nở thì chỉ duy nhất mế là có khả năng. Bởi thế, trong số những người con nuôi ấy, đa phần là những người trước đây hiếm muộn, nhờ dùng thuốc của mế mà con cái đuề huề.
 
Họ nghĩ, con cái là chính do mế tạo ra, nhờ mế mà có nên việc mế mới chính bà, là mẹ của chúng. Mế Mụi bảo, mế không thể nhớ hết là mình đã có bao nhiêu đứa con, đứa cháu như thế, chỉ biết rằng, khi giỗ Tết, chúng đến rất đông, ngồi kín trong nhà, ngoài ngõ.
 
"Chuyên gia" hàn gắn hôn nhân

Mế Mụi có cách chữa bệnh vô cùng đặc biệt. Người nghèo đến, nhiều khi thuốc mế cho không.

Theo mế Mụi thì bài thuốc ấy, trước đây, cũng do mẹ chồng mế truyền dạy. Thế nhưng, thuở ấy chẳng mấy khi phải dùng đến. Người Mông, người Dao, người Thái trong vùng, cứ thấy ưng ưng cái bụng là lên đôi lên lứa. Và, về ở với nhau năm trước năm sau đã con cái sòn sòn, "phanh" không kịp.
 
Thế nhưng, cỡ độ chục năm trở lại đây, chẳng biết do đâu, chứng hiếm muộn xuất hiện ngày một nhiều. Vấn nạn ấy không chỉ đến với người ở nơi phố xá đông đúc mà ngay nơi rừng núi âm u, nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm mà cũng chẳng thể nào sinh nở. Và, tiếng lành đồn xa, họ tìm đến mế.
 
Mế Mụi là người xuề xòa, thêm nữa, tiếng Kinh mế không biết nhiều nên câu chuyện về căn bệnh vô sinh, hiếm muộn mế "nhìn nhận" cũng rất đơn giản. Đơn giản đến độ... buồn cười.
 
Theo mế thì hai vợ chồng không có con thì chỉ căn cứ vào ba nguyên nhân. Thứ nhất, do chồng, thứ hai do vợ và thứ ba là do... cả hai! Vậy nên, cứ cặp nào đến nhờ mế bốc thuốc, là mế cắt luôn cho cả hai vợ chồng để một công giải quyết xong luôn... 3 nguyên nhân đó.
 
Mế bảo, thuốc của mế uống không có tác dụng phụ và uống vào chỉ thêm bổ chứ không có tác hại gì. Bởi thế, gặp người có bệnh thì thuốc trị, gặp người không có bệnh uống cũng chẳng sao!
 
Thảo dược để bào chế những thang thuốc trên, mế bảo, nhiều loại chỉ ở trên Pù Quăn mới có. Trước đây, khi còn ở trên bản cũ, để tiện cho việc làm thuốc của mình, tự tay mế đã trồng cả vườn dược liệu.
 
Khi chuyển xuống Hạ Sơn, mế cũng đem những giống cây quý xuống trồng. Thế nhưng, do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên chăm bẵm luôn tay mà chẳng cây nào chịu sống.
 
Mế Mụi bảo, để có một thang thuốc "hàn gắn hạnh phúc" trên, ngoài những củ, cây, rễ, lá mà mế có thể trồng được thì phải kiếm thêm rất nhiều thành phần khác mà chỉ tìm thấy chúng khi vào chốn nước độc rừng thiêng.
 
Mấy chục năm vào rừng kiếm thuốc, mế đã quen từng hốc cây, khe suối. "Bản đồ phân bố" của những cây thuốc trên mế đã thuộc như lòng bàn tay, khi cần chỉ khoác gùi vào lấy. Tuy nhiên, cũng có loại cây mà đến giờ, mế cũng không thể nắm bắt được "tập quán" sinh sống của chúng.
 
Bởi vậy, muốn tìm, phần nhiều là nhờ sự may mắn. Có lần đi thì gặp vài khóm thế nhưng cũng có bận, mấy ngày trời kiếm tìm mỏi mắt mà chẳng thấy chúng đâu.
 
Mế Mụi dẫn chứng về một vị thuốc mà theo mế bây giờ, rất hiếm có cơ hội kiếm được. Vị thuốc ấy là một thành phần không thể thiếu được trong bài thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn và chứng "trên bảo dưới không nghe" của các đức ông chồng.
 
Đó là một loại củ có màu nâu nhạt, bề ngoài gần giống với củ nâu nhưng thân củ dài hơn và có vỏ xần xùi, chi chít những rễ xơ cứng.
 
Mế Mụi bảo, mế cũng không biết tên loại củ ấy là gì. Thứ củ có công năng đặc biệt ấy, theo mế Mụi, giờ khó tìm lắm. Đi khắp các cánh rừng trong vùng nhiều khi cũng không tìm được. Có bận, không có loại củ ấy để làm thuốc, mế đã phải nhờ mấy bà mế là thân thiết của mình ở đất Lào tìm cho.
 
Tuy nhiên, cũng không phải cứ thấy loại "thần dược" ấy, khấp khởi đào về là dùng được, phải những củ già, cứng như gỗ thì mới có công dụng. Củ non thì có uống cũng như không!
 
Mế Mụi có cách khắc phục bệnh nhân vô cùng đặc biệt. Người nghèo đến, nhiều khi thuốc mế cho không. Còn nếu đã là mua bán, thì dù thuốc chữa thấp khớp, đau lưng, đau bụng đi ngoài đến những loại thuốc tuyệt chiêu như chữa vô sinh, hiếm muộn mế đều lấy giá đồng hạng: 20 nghìn đồng một thang.
 
Thấy thuốc rẻ, có người thắc mắc, mế bảo, người Dao ở đây quan niệm, bốc thuốc chữa bệnh là trách nhiệm mà mỗi bà mế đều phải làm. Mà đã là trách nhiệm thì không được cân đo, đong đếm. Thấy mọi người khỏe mạnh, vui vẻ là mình cũng thấy vui, thấy mừng cái bụng lắm rồi!
 
Nói về những bài thuốc quý ở Pù Quăn và Hạ Sơn, ông Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cho biết, từ lâu người Dao ở hai bản trên đã nổi tiếng về nghề làm thuốc. Nổi tiếng nhất là những bài thuốc dành cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh nở.
 
Bài thuốc ấy vô cùng công hiệu bởi với nhiều người, sau khi sinh, thì thời gian ở cữ là vài ba tháng với đủ các loại kiêng khem. Còn với đồng bào người Dao, dùng những bài thuốc ấy (uống và tắm) thì chưa đầy 1 tuần, họ đã phăm phăm đi rừng, đi nương như gái còn son.
 
Với những bài thuốc quý kể trên của mế Mụi, ông San, ông Lai... ông Dũng cho biết, ông cũng đã được nghe mọi người nói đến nhiều nhưng giá trị của chúng đến đâu thì hiện tại, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu, đánh giá.
 
Và theo ông Dũng, đánh giá những bài thuốc ấy là rất cần thiết và cần phải làm ngay để phổ biến rộng rãi cho nhiều người sử dụng.


(Nguồn: afamily.vn)

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)