Bất thường tinh dịch đồ gia tăng


Kết quả nghiên cứu mới nhất, do Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản (CGRH), thuộc Khoa Y Đại học Quốc gia công bố, cho thấy tỉ lệ bất thường tinh dịch đồ trong các cặp vợ chồng khám và điều trị hiếm muộn ở Việt nam có khuynh hướng gia tăng.

Nghiên cứu thu thập kết quả của 4.060 tinh dịch đồ thực hiện theo tiêu chuẩn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2010) tại các trung tâm điều trị vô sinh lớn tại TP.HCM, kết quả cho thấy: 85,44% số người chồng trong các cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn có bất thường về tinh dịch đồ.
Tại Việt Nam, những tiêu chuẩn đánh giá và xử lý tinh dịch người theo WHO 2010 đã bắt đầu được áp dụng vào giữa năm 2010 và ngày càng được phổ biến ra khắp các trung tâm, phòng xét nghiệm nam học trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có báo cáo nào ở Việt Nam về việc áp dụng tiêu chuẩn WHO 2010 tại Việt nam trên một cỡ mẫu lớn để làm tiêu chuẩn tham khảo cũng như đánh giá tỉ lệ bất thường ở những cặp vợ chồng khám hiếm muộn.
Tháng 5/2012, sau 2 năm áp dụng tiêu chuẩn đánh giá tinh dịch đồ mới, CGRH, thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM đã kết hợp với 2 trung tâm điều trị vô sinh lớn tại Việt Nam (IVF Vạn Hạnh, IVF An Sinh), tiến hành thống kê kết quả trên 4.060 ca thử tinh dịch đồ lần đầu tiên của các bệnh nhân đi khám và điều trị hiếm muộn.
Mặc dù ngưỡng tham khảo của WHO 2010 về các chỉ số tinh dịch đồ thấp hơn so với phiên bản trước (1999), chúng tôi ghi nhận được chỉ có 14,56% số tinh dịch đồ thỏa các ngưỡng tham khảo mới này. Nghĩa là khoảng 7 cặp vợ chồng đi khám hiếm muộn thì có đến 6 trường hợp có bất thường về tinh dịch đồ. Một báo cáo kết quả trên 400 tinh dịch đồ được thực hiện cách đây hơn 10 năm ở Việt nam cho thấy tỉ lệ tinh dịch đồ đạt trên các ngưỡng của WHO 1999 (cao hơn các ngưỡng mới của WHO 2010) là 22,7%.
Như vậy là sau 10 năm, sử dụng ngưỡng tham khảo thấp hơn trên cùng một đối tượng, chúng tôi thấy rằng kết quả bất thường tinh dịch đồ lại cao hơn. Mặc dù sự so sánh này là không chính xác hoàn toàn do một số qui cách kỹ thuật thực hiện tinh dịch đồ khác nhau giữa hai phiên bản 2010 và 1999 của WHO, có thể nói là có sự suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn tại Việt Nam trong 10 năm qua.  
Chỉ số trong tinh dịch đồ có tần suất bất thường cao nhất là hình dạng của tinh trùng. Kết quả của chúng tôi cho thấy có 75,71% tinh dịch đồ có tỉ lệ tinh trùng hình dạng bình thường dưới ngưỡng tham khảo của WHO 2010. Tỉ lệ tinh trùng hình dạng bình thường thấp ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh của tinh trùng.
Đây là báo cáo đầu tiên ở Việt Nam về đánh giá kết quả tinh dịch đồ trên bệnh nhân Việt Nam theo tiêu chuẩn WHO 2010, trên số lượng lớn. Kết quả đã được báo cáo tại Hội nghị Nam học và Vô sinh nam toàn quốc vào tháng 6/2012 do HOSREM tổ chức. Các kết quả này có thể là số liệu tham khảo hữu ích cho các đồng nghiệp và các trung tâm trong cả nước khi áp dụng tiêu chuẩn đánh giá tinh dịch đồ WHO 2010 trong thực hành.
Theo BS. LÊ HOÀNG ANH, BS. HỒ MẠNH TƯỜNG-suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)