4 món ăn từ hải sâm tư thận, tráng dương


Hải sâm là thực phẩm cao cấp, tính chất bổ dưỡng gần như nhân sâm. Trong Đông y, hải sâm là vị thuốc quý nên thường dùng bổ thận, tráng dương, ích tinh, thông trường, nhuận táo, chữa các chứng suy nhược, thường bồi bổ cho bệnh nhân vừa ốm dậy. Có thể phối hợp với một số vị thuốc khác, nhất là các vị thuốc bổ âm, để điều trị âm suy, làm cho chân âm mạnh lên, quân bình với dương, người khỏe mạnh.

Một số món ăn - bài thuốc từ hải sâm tốt cho nam giới 
Nấm - hải sâm - tôm he: hải sâm đã ngâm nở 200g, tôm he 100g, trứng gà 3 quả, nấm đông, măng tre, thịt gà chín thái sợi, bột thịt hun một ít, mỡ hoặc dầu, rượu trắng, mì chính, muối, bột mì, nước luộc gà, hành, gừng lượng vừa đủ. Lấy 1 lòng trắng trứng gà đánh bông rồi trộn với bột mì. Nấm, măng chần qua nước sôi, để nguội vắt kiệt nước, trộn đều với thịt gà, cho thêm muối, mì chính, rượu trộn đều. Dùng muôi hình bầu dục tráng một lớp mỡ lớn rồi cho nửa muôi nước hồ trứng bột, lấy 3 thứ (nấm, măng, thịt gà) đã thái nhỏ làm nhân rồi phủ lên một lớp bột trứng nữa thành hình quả trứng, rắc bột thịt hun lên cho vào chảo mỡ lợn rán nhỏ lửa (khoảng 10 chiếc bánh) rồi gắp ra.

Tôm he bóc vỏ rửa sạch, xắt khúc, cho muối, rượu, bột và lòng trắng trứng gà vào xào qua. Hải sâm thái hình lá bài, chần qua nước sôi rồi vớt ra, cho mỡ lợn vào chảo, khi mỡ sôi cho hành hoa, bột gừng vào chảo đảo lên cho nước luộc gà, rượu, muối, mì chính, hải sâm, trứng đánh bông, tôm bao, nước khiếm thảo và mỡ gà vào chảo, bột trứng bọc ngoài, bên trong có hải sâm, tôm; rồi lấy ra ăn. Cách ngày làm một lần, mỗi liệu trình là một tháng. Công dụng: tư thận tráng dương, chứng thận dương bất túc. Chứng này phần nhiều do bẩm sinh bị thiếu hoặc do bệnh mạn tính làm thận dương hư suy, hạ tiêu không được ôn dưỡng, xuất hiện âm lãnh làm xuất tinh chậm, sắc mặt tái xám, mệt mỏi.
Hải sâm nấu thịt dê: hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Trước tiên, bỏ phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước thuốc, cho thịt dê, hải sâm (đã rửa sạch) và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi thịt dê nhừ là được, bắc ra thêm gia vị vừa đủ là có thể dùng được. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, điều trị chứng liệt dương, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.
Hải sâm hầm táo đỏ đảng sâm: táo đỏ 10 quả, đảng sâm 10g, hải sâm 50g, nấm mèo 30g, cà rốt 100g, rượu 10ml, gừng 5g, muối 5g, hành 10g, nước luộc gà 300ml, dầu ăn 50g. Táo đỏ bỏ hạt, nấm mèo, hải sâm ngâm cho nở, thái miếng, cà rốt thái khúc khoảng 4cm, hành thái khúc, gừng đập giập. Để chảo nóng rồi đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm rồi bỏ hải sâm, rượu, muối, đảng sâm, táo đỏ, nấm mèo, cà rốt vào xào đều, đổ canh gà vào, vặn lửa nhỏ hầm cho chín. Ngày ăn một lần, mỗi lần ăn 25g hải sâm. Công dụng: Bổ khí huyết, thêm tinh ích tủy.
 Hải sâm hầm nấm hương, mộc nhĩ bổ thận ích tinh, bổ âm, nhuận táo.
Hải sâm hầm nấm hương, mộc nhĩ:
hải sâm 100g, gừng 5g, tỏi 5g, dầu ăn 10g, xì dầu 5g, muối ăn 5g. Nấm hương, mộc nhĩ đem ngâm trong nước ấm, sau đó rửa sạch, cắt vụn. Hải sâm ngâm trong nước ấm khoảng 3 giờ rồi rửa sạch, cắt lát. Cho dầu ăn vào đun nóng rồi bỏ hải sâm vào xào, cho xì dầu, tỏi, gừng đã đập, muối ăn vào xào, đảo vài phút. Thêm nấm hương, mộc nhĩ và một lượng nước vừa phải, đậy nắp nồi lại, đun lửa nhỏ, hầm cho đến lúc hải sâm, nấm hương, mộc nhĩ chín nhừ thì thêm gia vị, muối ăn vừa ăn là được. Mỗi ngày chia làm hai lần, ăn liên tục từ 5 - 7 ngày. Công dụng: bổ thận ích tinh, bổ âm, nhuận táo. Thích hợp với người bị ung thư tiền liệt tuyến sau phẫu thuật, bị tổn hư và trong thời gian hóa liệu, xạ liệu, bị giảm bạch cầu.       
BS.  Phó Đức Thuần - suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)