Viêm màng não mủ: Dùng thuốc không chuẩn, diễn biến khó lường

 Viêm màng não mủ (VMNM) gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Đây là bệnh cần phải điều trị tích cực càng sớm càng tốt.


Nếu điều trị muộn sẽ dễ đưa đến các biến chứng và di chứng nặng nề, nhất là đối với trẻ em. Trong điều trị, kháng sinh đóng vai trò chủ yếu.

Làm sao để biết mắc bệnh?
Bệnh có thể khởi phát từ các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc cũng có thể bệnh khởi phát đột ngột với một hội chứng nhiễm khuẩn cấp tính, bệnh tiến triển nhanh chóng đến viêm màng não trong vài giờ. Bệnh nhân thường sốt cao trên 39oC, có kèm theo đau nhức, lạnh run, vã mồ hôi. Bệnh nhân có những cơn nhức đầu dữ dội, kéo dài, không giảm khi dùng thuốc giảm đau, sợ ánh sáng; buồn nôn, nôn vọt; táo bón và tăng kích thích da...

Ở bệnh nhân lớn tuổi có biểu hiện lừ đừ, thay đổi tính tình, thường có triệu chứng lú lẫn, lơ mơ và có thể không sốt... Ở trẻ nhỏ thì khó nhận biết dấu hiệu kích thích màng não. Thường là trẻ bỏ bú, kém linh hoạt, khó chịu, quấy khóc, khóc thét bất thường, vàng da, nôn mửa, tiêu chảy...

Các loại thuốc điều trị bệnh VMNM
Viêm màng não do Hemophilus inflenzae:
Từ khi xuất hiện dòng beta-lactamase, quan điểm sử dụng thuốc đã thay đổi. Các kháng sinh dòng beta-lactamase bao gồm penicillin, cephalosporin, cephamycin, monobactam và thuốc ức chế betalactamase. Đặc biệt, nhóm cephalosporin thế hệ 3 được khuyến cáo sử dụng hàng đầu và ngày nay gần như người ta không còn dùng chloramphenicol cho bệnh VMNM do vi khuẩn này gây ra nữa bởi nó không hiệu quả bằng các loại kháng sinh dòng beta-lactamase và dễ có tai biến cho trẻ em. Thuốc có độc tính, đặc biệt khi sử dụng với liều cao có thể gây tai biến huyết học; ảnh hưởng tới chức năng gan - thận…

Viêm màng não do Neisseria meningitidis:
Kháng sinh hàng đầu được sử dụng là penicillin G hay ampicillin. Penicillin G là kháng sinh phổ hẹp, có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn Gram (+) như tụ cầu, liên cầu, phế cầu hoặc trực khuẩn uốn ván, than, hoại thư sinh hơi, bạch hầu, xoắn khuẩn giang mai. Thuốc cũng có tác dụng lên một số vi khuẩn Gram (-) như lậu cầu, màng não cầu. Ampicillin là kháng sinh bán tổng hợp, cùng nhóm penicillin. Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nó tác dụng vào quá trình nhân lên của vi khuẩn, ức chế sự tổng hợp mucopeptid của màng tế bào vi khuẩn, được chỉ định điều trị bệnh viêm màng não do trực khuẩn Gram (-).

 Vi khuẩn não mô cầu gây viêm màng não
Nếu bệnh nhân bị dị ứng kháng sinh nhóm penicillin thì có thể thay bằng chlorampenicol. Chlorampenicol có tác dụng kìm khuẩn và có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao hoặc vi khuẩn nhạy cảm cao. Thuốc được chỉ định dùng trong những nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm, khi những thuốc ít độc hơn không hiệu quả hoặc chống chỉ định.

Viêm màng não do Streptococcus pneumoniae:
Penicillin là loại kháng sinh được sử dụng và khá hiệu quả với phế cầu này. Gần đây đã có sự xuất hiện của các dòng phế cầu kháng penicilline. Kháng sinh được khuyến cáo sử dụng cho phế cầu kháng thuốc là cephalosporin thế hệ 3.

Viêm màng não do Listeria monocytogenes:
Bệnh cảnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh, người già và người lớn bị suy giảm miễn dịch Ở trẻ sơ sinh, lựa chọn hàng đầu là ampicillin phối hợp với gentamycine. Ở người lớn, lựa chọn hàng đầu cũng là ampicillin, tuy nhiên nếu bị dị ứng thì thay thế bằng trimethoprimi sufametyhoxale.

Viêm màng não do trực khuẩn gram (-) hiếu khí:
Trước đây, thuốc được sử dụng là aminoglycoside tiêm kênh tủy hay tiêm não thất. Ngày nay, thuốc hàng đầu được lựa chọn là nhóm cephalosporine thế hệ 3. Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hay các kháng sinh nhóm cephalosporin khác; người có tiền sử sốc phản vệ với penicillin và trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Viêm màng não do Staphylococcus aureus:
Bệnh gặp tương đối ít, thứ phát sau một nhiễm trùng huyết nặng, do nhiễm trùng lan tỏa từ một ổ nhiễm trùng kế cận màng não hoặc sau thủ thuật ngoại thần kinh. Kháng sinh oxacillin hay nafcillin được ưu tiên sử dụng. Oxacillin có tác dụng với vi khuẩn ưa khí Gram (+), đặc biệt các tụ cầu. Oxacillin là một trong số isoxazodyl penicillin, do đó thuốc cũng chống chỉ định với bệnh nhân có phản ứng với penicillin hoặc cephalosporin. Dùng vancomycin thay thế nếu bị dị ứng với nhóm penicillin hoặc bị nhiễm các dòng tụ cầu kháng méthicillin.

Trước khi phân lập được vi trùng trong dịch não, việc lựa chọn kháng sinh diệt khuẩn lúc đầu cần phải dựa vào cơ địa bệnh nhân, bệnh cảnh lâm sàng và dựa vào các yếu tố dịch tễ. Nếu điều trị không phù hợp còn có thể đưa đến những biến chứng thần kinh mạn tính hay gây tử vong cho bệnh nhân. 

Theo TS. Hoàng Ngọc - Sức khẻo & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)