Lá lốt là loại cây mềm, cao tới 1m, thân hơi có lông. Lá hình trứng rộng, phía gốc hình tim, đầu lá nhọn, soi lên có những điểm trong. Phiến lá dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân, cuống dài. Cụm hoa mọc thành bông. Cây lá lốt mọc hoang trong vùng rừng núi ẩm thấp và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam.
Bộ phận dùng, chế biến: Dùng lá, thu hái quanh năm, có thể dùng thân, hoa hay rễ. Thường dùng tươi hoặc phơi khô.
Công dụng, chủ trị: Dùng lá lốt làm gia vị, thuốc chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân.
Liều dùng: Ngày dùng 5 - 10g lá phơi khô hay 15 - 30g lá tươi. Sắc với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng tươi dạng thuốc sắc để ngâm tay chân hay đổ mồ hôi, ngâm đến khi nước nguội thì thôi.
Những bài thuốc có sử dụng lá lốt
Chữa đau do chấn thương: Lá lốt, ngải cứu, hy thiêm thảo liều lượng bằng nhau (khoảng 1 nắm) giã nát, chưng nóng đắp chỗ lưng đau, ngày 2 lần.
Hỗ trợ giảm đau do viêm khớp: Lá lốt, cỏ xước, cốt khí củ, dây đau xương mỗi thứ 15g, cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống 7 ngày.
Chữa tổ đỉa: Lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước thuốc vừa đun âm ấm thì dùng rửa sạch chỗ tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần, liên tục trong 5 - 7 ngày là khỏi.
Chữa đổ mồ hôi ở tay chân: Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân khg 5 - 7 phút thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Ngâm liên tục 10 - 15 ngày.
Hỗ trợ chữa chứng phù thũng do thận: Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Uống trong 3 - 5 ngày.
Đau bụng do lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Chú ý: Lá lốt hơi giống lá trầu không, hồ tiêu và trầu rừng. Cần phân biệt khi thu hái.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét