Thuốc quý từ gà ác

Các món ăn từ thịt gà ác là bài thuốc quý rất giàu chất đạm, người lớn mỗi tuần chỉ nên ăn 2 lần, mỗi lần 200g; trẻ em mỗi tuần 1 lần, mỗi lần 100g.



Gà ác thuộc họ trĩ, có tên khoa học là Gallus gallus domesticus brisson, còn được gọi là ô cốt kê, ô kê... là loại gà cỡ nhỏ, được thuần hóa và nuôi dưỡng. Đặc trưng của giống gà ác là bộ lông trắng không mượt nhưng toàn bộ da, mắt, thịt, chân và xương đều đen, chân có 5 ngón.

Bổ huyết, ích khí
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gà ác vị ngọt, tính bình; có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái tháo đường), đi tả lâu ngày do tì hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, khí hư, di tinh, hoạt tinh, nóng âm ỉ trong xương, ra mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều... Các y thư cổ đều ghi lại công dụng và những phương thuốc bồi bổ liên quan đến gà ác với những kiến giải rất đặc sắc.
 
Dinh dưỡng học hiện đại cho rằng thịt gà ác ít lipid nhưng rất giàu protid và có khoảng 18 loại acid amin, nhiều vitamin (A, B1, B2, B6, N12, E, PP) và các nguyên tố vi lượng (K, Na, Ca, Fe, Mg, Mn, Cu...).
 
Nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng cho thấy thịt gà ác phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô cũng như khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.

Dược thiện tiêu biểu
Trên thực tế, muốn phát huy triệt để công dụng của gà ác, chúng ta phải phối hợp thực phẩm quý giá này với một số thực phẩm khác và dược liệu để chế biến thành những món dược thiện vừa dễ dùng vừa bổ dưỡng. Các dược liệu này cũng rất dễ mua ở các cửa hàng thuốc đông y.

- Bài 1: Nguyên liệu gồm 50 g thịt gà ác rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm với 10 g kỷ tử, vài lát gừng tươi cho thật nhừ, chế thêm gia vị ăn nóng. Món này dùng cho những người hay đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng do can thận âm hư.

- Bài 2: Nguyên liệu gồm 100 g thịt gà ác rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm cùng với 10 g đông trùng hạ thảo, 30 g hoài sơn cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Món này có công dụng bổ tinh khí, cường gân cốt; chuyên dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu.

- Bài 3: Nguyên liệu gồm một con gà ác trống làm thịt, bỏ lông và nội tạng; 5 g tam thất thái phiến, cho vào trong bụng gà cùng với một chút rượu vang và gia vị. Tất cả đem hầm cách thủy đến khi chín thì ăn. Công dụng bổ khí huyết, cường gân cốt, thường dùng cho những người bị gãy xương.

- Bài 4: Nguyên liệu gồm 1 con gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; 15 g hạt sen trắng bỏ lõi, 15 g khiếm thực, 150 g gạo nếp rửa sạch. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng bổ tì thận, thường dùng cho những nam giới bị di tinh, phụ nữ khí hư có màu trắng đục.

- Bài 5: Nguyên liệu gồm 1 con gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; 100 g hoàng kỳ rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng bổ huyết, điều kinh. Món này thường dùng cho phụ nữ thống kinh, trước kỳ kinh 3 ngày nên ăn, dùng liên tục trong 5 ngày.

- Bài 6: Nguyên liệu gồm 1 con gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; 20 g ngải cứu rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả đem hấp cách thủy, ăn nóng. Món này thường dùng cho những trường hợp tử cung xuất huyết.

Ăn liều lượng vừa đủ
Ngoài những món dược thiện kể trên, kinh nghiệm dân gian còn dùng thịt gà ác tẩm mật ong, nướng qua rồi đem sấy khô giòn, tán thành bột mịn, làm thành viên hoàn hoặc ngâm với rượu uống để bồi bổ sức khỏe. Thịt gà ác cũng được ghi nhận là đặc biệt tốt cho người đang điều trị các bệnh về phổi, thận, đau lưng, ra mồ hôi trộm, chân tay yếu mỏi, tạng yếu, lao lực, người ốm dậy, phụ nữ sau sinh. Cũng có nơi còn dùng xương gà ác nấu thành cao, gọi là tinh gà đen, uống để chữa chứng hư nhược, chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, yếu sinh lý...

Phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh, người già yếu, kém ăn, trẻ em còi xương, người vừa bệnh một thời gian dài... nên ăn các món gà ác tiềm thuốc bắc, gà ác hầm nhân sâm hoặc tiềm với nấm linh chi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là gà ác rất giàu chất đạm nên người lớn mỗi tuần chỉ ăn 2 lần, mỗi lần 200 g; trẻ em mỗi tuần ăn 1 lần, mỗi lần 100 g.

Bài thuốc cho người ngủ hay mộng mị

Đông y có một bài thuốc rất hay để điều trị chứng tâm phiền bất an, ngủ kém hay mộng mị, dễ hồi hộp, lo sợ. Nguyên liệu gồm 150 g thịt gà ác rửa sạch, thái mỏng; 10 g nhân sâm tán vụn và 3 g

nhung hươu. Tất cả cho vào bát, chế nước vừa đủ rồi đem hấp cách thủy trong 3 giờ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Món này còn có công dụng song bổ khí huyết, dưỡng huyết bổ não nên cũng rất tốt cho những sĩ tử sức khỏe suy yếu, mệt mỏi nhiều, sợ lạnh, hay đổ mồ hôi cả khi thức lẫn khi ngủ, đầu choáng, mắt hoa.
Theo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)