Đông dược + Tân dược: Có thể hay không?

Hiện nay, theo đà phát triển của công tác kết hợp y học hiện đại và cổ truyền, việc phối hợp sử dụng tân dược và đông dược có xu hướng ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là: có nên dùng cả hai loại thuốc tây và thuốc ta với nhau hay không?

Có hai ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này: ý kiến thứ nhất cho rằng hoàn toàn không nên bởi lẽ lý luận chỉ đạo, đặc tính và cách dung hai loại thuốc rất khác nhau, nếu dùng chung sẽ không thể kiểm soát được và dễ xảy ra các tai biến không mong muốn; ý kiến thứ hai cho rằng hoàn toàn nên, bởi lẽ phương thức kết hợp sẽ tạo nên tác dụng cộng hưởng và phát huy triệt để thế mạnh của từng loại thuốc.

Kỳ thực, cả hai quan niệm trên đều không tránh khỏi tính chủ quan và phiến diện. Bởi lẽ, câu trả lời chính xác chỉ có thể dựa trên kết quả nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc. Thực tế đã chứng minh rằng nếu sự phối hợp đó là hợp lý thì có thể nâng cao hiệu quả và mở rộng phạm vi điều trị, giảm bớt các tác dụng phụ của mỗi loại thuốc; nếu sự phối ngũ đó không hợp lý thì chẳng những công hiệu của dược vật bị hạn chế mà có khi còn làm nặng hơn hoặc phát sinh các tác dụng phụ, thậm chí có thể đưa đến những hiệu quả nghiêm trọng.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện khá nhiều tân dược và đông dược khi phối hợp với nhau sẽ làm tăng hiệu quả trị liệu. Ví như, kim ngân hoa phối hợp với benzyl penicillin có tác dụng ức chế khả năng kháng penicillin của tụ cầu vàng. Các vị thuốc đông y thuộc nhóm thanh nhiệt giải độc cao như bồ công anh, diếp cá, lô căn, thạch cao, trúc diệp, bản lam căn… phối hợp với penicillin G có tác dụng nâng cao hiệu quả trị liệu đối với các đợt bùng phát cấp tính của bệnh viêm phế quản mạn tính. Những đông dược kiềm tính như băng sa, ngoãi lãng từ khi dùng kết hợp với oxacillin và erythromycin có thể ngăn được sự phá hủy của dịch vị, làm tăng khả năng hấp thụ và hiệu lực kháng khuẩn của hai loại kháng sinh này.

 
Mặt khác, không ít sự phối hợp giữa thuốc tây và thuốc ta còn có tác dụng mở rộng phạm vi ứng dụng của mỗi loại thuốc. Ví như, aminazine khi phối hợp với bột trân châu không những hiệu quả trị liệu được nâng cao rõ rệt mà còn có thể dùng được cho cả những bệnh nhân chức năng gan bị rối loạn do bột trân châu có khả năng cải thiện hoạt động của tế bào gan và sự phòng các thương tổn gây nên do aminazine.
 
Phức hợp dã cúc hoa – Eutonyl trong chế phẩm “Dã lạc phiến” không chỉ có hiệu năng giảm áp ở người bị huyết áp cao mà còn được mở rộng dùng cho người bị di chứng liệt nửa người do rối loạn tuần hoàn não. Một số dược liệu khi phối hợp với thuốc tây còn có khả năng làm giảm thiểu các tác dụng không mong muốn. Ví như, Streptomycin nếu dùng quá dài ngày có thể dẫn đến tình trạng giảm thính lực và chóng mặt do tổn thương hệ thống tiền đình.

Khi dùng phối hợp với cam thảo tác dụng phụ này sẽ được giảm thiểu bởi lẽ glycyrrhizicacid có trong thành phần của cam thảo sẽ kết hợp với gốc kiềm tính của streptomycin glycyrrhizinate có độc tính thấp hơn nhưng năng lực kháng khuẩn vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng cũng cho thấy: trong nhiều trường hợp sự phối hợp giữa thuốc ta và thuốc tây đã đưa lại những hiệu quả bất lợi.

Trước hết, có thể làm giảm tác dụng trị liệu của thuốc thông qua việc ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ hoặc tương tác làm biến đổi cấu trúc và hoạt tính dược lý. Ví như, các vị thuốc đông y có chứa nhiều ion kim loại như thạch cao, hải phiêu tiêu, thạch quyết minh, hổ cốt, long cốt, mẫu lệ… (chứa nhiều Ca); minh phàn (chưa nhiều Al); đại gia thạch, đông tự nhiên (chứa nhiều Cu); xích thạch chi, hoạt thạch ( chứa nhiều Mg và Cu)… không nên dùng cùng một số kháng sinh như tetracycline, rimifon…. Vì sẽ làm giảm hệ số hấp thụ, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả trị liệu.

Thêm nữa, một số thuốc tây và thuốc ta khi phối hợp với nhau có thể gây ra các phản ứng độc hại. Ví như, ma hoàng và các chế phẩm có ma hoàng như Đại lạc hoạt đan, Nhân sâm tái tạo hoàn, chỉ khái định suyễn hoàn… không nên phối hợp với các thuốc có tác dụng ức chế như monoamine oxidase (MAO) như furazolidone, eutonyl, isocarboxazid, methylhydrazine… vì dễ gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm do các chất như Adrenaline, Dopamine, Serotonin không bị phá hủy, ứ đọng ở các mạt đoạn thần kinh gây nên.

Như vậy, có thể thấy, tân dược cũng có thể dung cùng đông dược thậm chí trong nhiều trường hợp là hết sức cần thiết, nhưng với điều kiện sự phối hợp đó phải hợp lý, có cơ sở khoa học rõ ràng và nghiêm túc, tuyệt đối không phối hợp tùy tiện và liều lĩnh.
Theo Đẹp online/ BSGĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm trên trang:

Lịch Âm Dương (Ấn trực tiếp vào ngày bạn muốn xem)